So sánh Nikon Z50 Mark II và Nikon Zfc – Liệu công nghệ có hấp dẫn hơn thiết kế?
Nhằm mang đến cho các nhà sáng tạo nội dung một cỗ máy có hiệu năng mạnh mẽ hơn, NIkon Z50 Mark II đã chính thức được giới thiệu với những nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống lấy nét nhận diện chủ thể và khả năng quay phim. Tuy nhiên, chiếc máy Nikon Zfc vẫn được nhiều bạn trẻ cân nhắc lựa chọn bởi thiết kế đậm tính hoài cổ, mang đến cảm hứng sáng tạo đặc biệt như của các máy ảnh film. Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng Anh Đức Digital cùng so sánh hai máy ảnh này nhé.
Thông số
Cả hai máy ảnh Nikon Zfc và Nikon Z50 Mark II đều được trang bị cảm biến CMOS 21MP lần đầu được giới thiệu từ chiếc máy D500 từ năm 2016. Nikon không lựa chọn các cảm biến với độ phân giải cao hơn là 26MP hay 40MP vì những vấn đề về chất lượng tông màu, khả năng xử lý nhiễu và dải nhạy sáng, bất kể những lợi ích về độ chi tiết. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở việc chiếc máy mới được trang bị vi xử lý Expeed 7 mạnh mẽ hơn với hiệu suất tốt hơn so với Expeed 6 trên Nikon Zfc.
Tính năng
Bộ vi xử lý mới trên Nikon Z50 Mark II sẽ cải thiện hiệu suất lấy nét cũng như khả năng chụp liên tục nhanh hơn và khả năng quay phim linh hoạt hơn. Ở chế độ chụp ảnh tĩnh, chiếc máy mới có thể chụp liên tục 15fps hoặc 30fps (ảnh JPEG) với khả năng lấy nét tự động liên tục. Trong khi đó, Nikon Zfc chỉ đạt 11ps ở định dạng JPEG (giảm xuống 9fps với ảnh RAW). Ngoài ra, Z50 II còn có chế độ chụp liên tiếp trước, sẽ lưu ảnh vào bộ nhớ đệm trong khoảng 1 giây khi ấn nửa hành trình nút chụp.
Thêm vào đó, Nikon Z50 Mark II có thể quay phim ở chế độ màu 10-bit và đạt độ phân giải tối đa 4K60p (tỉ lệ crop 1.52x). Với bộ xử lý mạnh mẽ hơn và sử dụng cùng một loại pin, thời lượng pin sẽ ít hơn khoảng 38% số lượng ảnh mỗi lần sạc đầy so với Zfc, thậm chí ít hơn 25% số ảnh so với phiên bản Z50 tiền nhiệm.
Khả năng thao tác
Ngoài sự khác biệt về khả năng xử lý, hai máy ảnh này cũng khác nhau về mặt điều khiển và thao tác. Nikon Zfc có các nút xoay chuyên dụng để chiều chỉnh tốc độ màn trập, ISO, màn hình khẩu độ, cùng với lẫy chuyển PSAM như các máy ảnh film truyền thống. Trong khi đó, hệ thống điều khiển trên Nikon Z50 Mark II giống như phần lớn các máy ảnh hiện đại với vòng xoay chế độ, 2 vòng xoay điều khiển chức năng ở trước và sau máy. Hệ thống điều khiển này tương đối dễ sử dụng và dễ dàng làm quen hơn với những người mới chơi.
Nikon Z50 Mark II có sự nâng cấp về kính ngắm, mặc du có cùng độ phân giải và độ phóng đại như Zfc, nhưng tấm nền OLED mới có thể đạt độ sáng tối đa cao gấp đôi so với các máy ảnh Nikon được ra mắt trước đây.
Khả năng lấy nét
Hệ thống lấy nét tự động là một lĩnh vực khác mà Nikon Z50 Mark II được nâng cấp nhờ vào bộ xử lý mới hơn. Điểm khác biệt rõ nhất là chiếc máy mới đã được huấn luyện để nhận dạng đến 9 đối tượng khác nhau (so với chỉ 3 trên Zfc) và có chế độ nhận diện chủ thể tự động để nhận biết tất cả các đối tượng có thể làm được. Điều này có thể làm chậm tốc độ lấy nét đi một chút nhưng sẽ tối ưu độ chính xác của hệ thống.
Không chỉ vậy, Nikon Z50 Mark II còn được trang bị hệ thống 3D Tracking, mô phỏng hệ thống theo dõi nhanh của Nikon từ thời DSLR. Điều này giúp chiếc máy có thể đạt tốc độ theo dõi chủ thể liên tục nhanh và dễ sử dụng hơn, so với hệ thống lấy nét trên NIkon Zfc chậm hơn và khó sử dụng hơn. Không chỉ vậy, khả năng theo dõi của Z50II thường ít bị lệch khỏi chủ thể hơn so với chiếc máy cũ trong nhiều tình huống chụp ảnh.
Chất lượng hình ảnh
Vì cả hai chiếc máy đều sử dụng cảm biến CMOS 21MP, nên gần như không có sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa hai máy. Cảm biến này cân bằng tốt giữa nhu cầu chụp ảnh tĩnh và quay phim, mặc dù độ chi tiết không phải là thế mạnh so với các máy ảnh APS-C mới nhất của Fujifilm và Canon. Tuy nhiên, Nikon Z50 Mark II có ưu thế nhờ vào các chế độ màu Picture Control và cho phép người dùng tải xuống các công thức màu cho máy ảnh từ dịch vụ đám mây của Nikon.
Thêm vào đó, Nikon Z50 Mark II có thể xuất các tệp ảnh HEIF 10-bit với tiêu chuẩn HLG để hiển thị trên các màn hình có dải nhạy sáng rộng. Nhìn chung, cả hai máy ảnh này đều là lựa chọn phù hợp cho hầu hết các nhu cầu chụp ảnh thường nhật.
Khả năng quay phim
Nikon Z50 Mark II cuối cùng cũng trở thành một máy quay phim tốt hơn đáng kể so với Zfc, mặc dù chúng đều sử dụng một cảm biến và cả hai đều hướng đến đối tượng là các nhiếp ảnh gia và các nhà sáng tạo nội dung. Chiếc máy mới có khả năng quay phim 10-bit với profile màu N-Log để thu nhận nhiều dữ liệu hơn, qua đó mở rộng tính linh hoạt trong việc chỉnh sửa hậu kỳ cho máy ảnh. Chiếc máy cũng hỗ trợ profile màu HLG để tận dụng dải màu và độ sáng của các màn hình cao cấp.
Trong quá trình quay phim, chiếc máy mới hỗ trợ biểu đồ dạng sóng để kiểm soát độ phơi sáng với các cảnh quay Log. Thêm vào đó, Z50II còn có thêm cổng tai nghe để người dùng kiểm soát âm thanh tốt hơn và có khả năng lấy nét khi quay phim đáng tin cậy hơn nhiều, điều mà NIkon Zfc không làm được.
Hệ thống ống kính
Cả hai dòng máy đều thừa hưởng hệ thống ống kính ngàm Z đa dạng của Nikon với nhiều lựa chọn có mức giá phải chăng. Ngoài ra, một số tùy chọn bên thứ ba khác mà người dùng có thể cân nhắc bao gồm các ống kính từ Sigma và Viltrox với chất lượng khá ấn tượng, mặc dù các ống kính một tiêu cự được đánh giá cao hơn so với các ống kính thu phóng.
Kết luận chung: Nên lựa chọn Nikon Z50 Mark II và Nikon Zfc
Nếu bạn đọc đang phân vân giữa việc lựa chọn Nikon Z50 Mark II và Nikon Zfc, câu trả lời sẽ đến từ những nâng cấp đáng kể về hiệu năng và sự khác biệt về thiết kế giữa cả hai chiếc máy. Nếu bạn đọc yêu thích một thiết kế cổ điển và hài lòng với hiệu suất hoạt động vừa đủ, Zfc là một lựa chọn hợp lý khi xét về mặt chi phí. Nhưng nếu người dùng muốn trải nghiệm một cỗ máy mạnh mẽ hơn, hệ thống lấy nét chính xác hơn và nhiều tiện ích đặc biệt hơn, NIkon Z50 Mark II chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.