Đánh giá nhanh ống kính Sony FE 16mm F1.8 G - Ống kính góc rộng ấn tượng cho đa dạng thể loại chụp ảnh
Là một lựa chọn ống kính góc rộng khẩu độ lớn dành cho nhu cầu chụp ảnh kiến trúc, phong cảnh hay quay phim vlog, Sony FE 16mm F1.8 G gây ấn tượng đến người dùng với thiết kế nhỏ gọn nhưng sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến bao gồm hệ thống quang học chất lượng cao và động cơ tuyến tính cho khả năng lấy nét nhanh và chính xác. Trong bài viết này, hãy cùng Anh Đức Digital đánh giá tổng quan về chất lượng hình ảnh trên ống kính này nhé.

Thông số ống kính Sony FE 16mm F1.8 G
- Tiêu cự: 16mm
- Hệ ngàm: Sony E, Sony FE
- Dải khẩu độ: F1.8 – F22
- Số lá khẩu: 11 lá
- Hệ thống quang học: 15 thấu kính chia thành 12 nhóm
- Thấu kính đặc biệt: 2 thấu kính phi cầu, 3 thấu kính tán sắc thấp, 1 thấu kính tán sắc cực thấp (Super ED)
- Khoảng lấy nét gần nhất: 0.13m
- Động cơ lấy nét: động cơ tuyến tính lấy nét trong
- Trọng lượng: 304g
- Kích thước: 75mm (chiều dài) x 74mm (đường kính)
- Bảo vệ ống kính: có
- Đường kính bộ lọc: 67mm
Đánh giá thiết kế ống kính Sony FE 16mm F1.8 G
Ống kính Sony FE 16mm F1.8 G sở hữu một thiết kế nhỏ gọn, khẩu độ F1.8 và góc nhìn bao phủ cảm biến fullframe. Với kích thước 76.2 × 73.66 mm, có trọng lượng khoảng 303g và sử dụng bộ lọc 67mm, ống kính này nhỏ hơn một chút so với hai ống kính chất lượng cao là Sony FE PZ 16-35mm F4 G và FE 20mm F1.8 G. Cả ba ống kính đều phù hợp khi sử dụng cùng các dòng máy Sony a7C II hay a7CR cho việc quay phim vlog hoặc phim tài liệu, và đủ nhẹ để lắp trên các gimbal nhỏ hơn như DJI RS 4 Mini vừa mới được ra mắt.

Với combo máy ảnh Sony a7C II và ống kính FE 16mm F1.8 G, bộ máy ảnh cho cảm giác cân bằng khá tốt và không quá nặng về phía trước. Tương tự như hai ống kính PZ 16-35mm F4 G và FE 20mm F1.8 G, góc nhìn của ống kính này rất lý tưởng để người dùng quay phim vlog và có những tấm ảnh selfie ấn tượng.
Được xếp vào phân khúc ống kính dòng G, phân khúc chất lượng cao nhưng thấp hơn một bật so với G Master, ống kính vẫn được hoàn thiện từ các vật liệu cao cấp và có chất lượng chế tạo tốt. Cụ thể, toàn bộ các linh kiện và thiết kế quang học bên trong được bảo vệ bởi một lớp vỏ polycarbonate màu đen rất chắc chắn. Đồng thời, ống kính có các lớp bảo vệ tại các vị trí nhạy cảm để ngăn bụi và nước xâm nhập, cũng như thấu kính mặt trước có lớp phủ flo để có thể vệ sinh dễ dàng hơn.

Khả năng điều khiển và lấy nét của Sony FE 16mm F1.8 G
Tương tư như các ống kính được ra mắt gần đây, Sony FE 16mm F1.8 G có gần như tất cả các nút và vòng xoay điều khiển bao gồm: vòng lấy nét thủ công, vòng khẩu độ, nút tùy biến và công tắc AF/MF. Vòng lấy nét được khắc rõ các vị trí khẩu độ với độ chia 1/3 stops từ F/1.8 – F/22, có rãnh vân nhỏ phía và vị trí Auto để giao việc điều chỉnh khẩu độ cho máy ảnh. Vòng lấy nét thủ công có khả năng xoay khá mượt mà và chắc chắn, với các đường vân nhỏ giúp tăng độ bám cho người dùng.

Khi thao tác trên vòng lấy nét thủ công, sự thay đổi điểm nét diễn ra gần như ngay lập tức và mang đến khả năng phản hồi nhanh và tuyến tính trong phạm vi góc xoay 120 độ. Điều này hoàn toàn lý tưởng cho các nhà quay phim khi phải di chuyển nhiều lần giữa hai vị trí trong cùng một cảnh quay. Về khả năng lấy nét tự động, ống kính được trang bị động cơ tuyến tính kép (XD) hoạt động rất êm, rất nhanh và không có bất kì độ trễ nào khi chuyển từ điểm cực cận sang cực viễn.

Để đảm bảo mỗi khung hình được trọn vẹn, Sony đã tối ưu để giảm thiểu hiện tượng thở của ống kính trong cảnh quay để giữ cho góc nhìn ổn định trong suốt quá trình lấy nét. Đồng thời, động cơ tuyến tính cũng hoạt động đủ nhanh để theo kịp với tốc độ khung hình lên đến 120fps cho cả chụp ảnh và quay phim. Ngoài ra, với tỉ số phóng đại khá lớn (1:4),FE 16mm F1.8 G cũng hoàn toàn phù hợp để thực hiện chụp cận cảnh các chủ thể và tạo nên hiệu ứng tiêu cự đặc biệt so với các ống kính macro tiêu cự lớn.

Bên cạnh các nhu cầu chụp ảnh thông thường, Sony FE 16mm F1.8 G cũng phù hợp với nhiếp ảnh thiên văn và bầu trời đêm. Tuy nhiên, ống kính không có bất kỳ các tính năng phụ trợ nào, trong khi đó Sigma bổ sung thêm khóa lấy nét thủ công và vị trí lắp bộ sấy thấu kính để tránh đọng sương trên ống kính DG DN Art 14mm F1.8 của mình.
Đánh giá chất lượng hình ảnh trên Sony FE 16mm F1.8 G
Để đánh giá khách quan về chất lượng hình ảnh, người thử nghiệm đã sử dụng ống kính này trên thân máy Sony A7R V với cảm biến 60MP để kiểm tra hiệu suất quang học. Các thử nghiệm cho thấy, ống kính đạt độ chi tiết khá tốt tại F/1.8-2.0 và đạt chất lượng chi tiết tối đa trong phạm vi F/4 – 11. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh sẽ bắt đầu giảm đi từ F/16 vì hiện tượng nhiễu xạ, mặc dù ở khẩu độ này, người dùng có thể chụp được hiệu ứng tia sao 22 cánh.

Cụ thể, Sony FE 16mm F1.8 G có độ nét vùng trung tâm tại F1.8 tương đối ấn tượng, tuy nhiên vùng rìa ảnh lại chưa thực sự tốt và thiếu đi độ tương phản cần thiết. Việc giảm khẩu độ về F4 sẽ giúp độ nét toàn ảnh được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt mức tốt nhất vì Sony đã chú trọng hiệu chỉnh ống kính bằng phần mềm để tối ưu kích thước ống kính.

Khi xem xét các ảnh RAW, các hiện tượng như méo hình và tối viền đều xảy ra ở mức độ nhất định bởi tính chất đặc biệt của một ống kính góc rộng, tuy nhiên các quang sai màu gần như ít xuất hiện. Trên các phần mềm hậu ký, người dùng sẽ phải điều chỉnh một mức tương đối lớn để giảm thiểu độ méo và kích hoạt hiệu chỉnh tự động sẽ giảm thiểu hiện tượng tối viền. Trong các điều kiện chụp ngược sáng, ống kính có khả năng xử lý tốt hiện tượng lóa sáng và tối viền rất ấn tượng mà vẫn giữ được độ tương phản của hình ảnh.

Sony FE 16mm F1.8 G cũng có khả năng xóa phông với các chủ thể khi chụp ở gần, nhưng với một ống kính góc siêu rộng, hiệu ứng này biểu hiện rất nhẹ nhưng cũng khá mịn và đẹp mắt. Các vùng bokeh hầu như không gặp phải hiện tượng chồng vòng, nhưng vẫn tồn tại một số biến dạng nhất định ở các vùng rìa ảnh.

Tổng kết chung
Trong phần lớn các ống kính góc rộng hiện tại, Sony FE 16mm F1.8 G nổi lên như là một lựa chọn đáng giá với khá nhiều ưu điểm bao gồm hệ thống quang học chất lượng cao, khẩu độ lớn, khả năng lấy nét nhanh và hạn chế hiện tượng thở, cùng với kích thước nhỏ và nhẹ, phù hợp để sử dụng với các gimbal cầm tay. Dù vẫn có một số hạn chế về hiệu ứng bokeh và khả năng hiệu chỉnh độ méo ảnh, song nó không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng hình ảnh tổng thể với độ sắc nét và khả năng kiểm soát quang sai ấn tượng.