Đánh giá trải nghiệm Sony Alpha A1 Mark II – Điều gì làm nên sức mạnh của chiếc máy ảnh đỉnh cao từ Sony?
Là phiên bản nâng cấp cho chiếc máy ảnh mạnh mẽ nhất là Alpha A1 đã ra mắt từ 2021, Sony Alpha A1 Mark II sở hữu nhiều tính năng mới ấn tượng bao gồm bộ vi xử lý AI chuyên biệt, hệ thống nhận diện chủ thể linh hoạt với độ chính xác cao và khả năng xử lý hình ảnh mạnh mẽ nhờ cảm biến CMOS xếp chồng 50MP kế thừa từ người tiền nhiệm. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Anh Đức Digital trải nghiệm chiếc máy để có một đánh giá toàn diện nhất.
Những tính năng nổi bật
- Cảm biến: CMOS xếp chồng 50MP, dải ISO tiêu chuẩn 100-32000 (mở rộng 50 – 102400)
- Tốc độ màn trập tối đa: 1/8000 giây (cơ học),1/32000 (điện tử)
- Tốc độ đồng bộ đèn flash: 1/400 giây
- Tốc độ chụp liên tục: 10fps (màn trập cơ),30fps (màn trập điện tử với tự động lấy nét liên tục và theo dõi chủ thể)
- Bộ nhớ đệm: 80 ảnh RAW không nén + JPEG/ 240 ảnh RAW nén
- Khả năng quay phim: 8K30p, 4K120p (crop 1.1x) và 4K60p (toàn chiều rộng cảm biến) với hệ thống nhận diện chủ thể
- Hệ thống màu sắc: S-Log 3, S-Cinetone và 16 bộ nhớ LUT.
- Hệ thống lấy nét: 759 điểm lấy nét, bao phủ 92% khung hình, hoạt động tốt trong điều kiện thiếu sáng (-4EV) và có thể thay đổi diện tích vùng lấy nét
- Hệ thống nhận diện chủ thể: Trang bị vi xử lý AI chuyên biệt cho lấy nét, phơi sáng, màu sắc và cân bằng trắng. Bổ sung chế độ tự động nhận diện chủ thể và cải thiện hiệu suất đến 50%
- Hệ thống ổn định hình ảnh: hiệu quả 8.5 stops (vùng trung tâm) và 7.0 stops (vùng rìa ảnh).
- Giới hạn dung lượng ảnh: 3 mức độ phân giải 50MP, 21MP và 12MP. Có thêm chế độ APS-C mode 21MP.
- Pin và thẻ nhớ: Sử dụng pin FZ100, được trang bị hai khe thẻ có thể sử dụng 2 loại thẻ là SD UHS-II và CFExpress Type A
- Kết nối không dây: WIFI 2.4GHz/5GHz và Bluetooth 5.0
- Cổng kết nối: microphone, headphone, USB-C 3.2, HDMI tiêu chuẩn, cổng LAN 2.5Gbps (RJ45),Sony micro-USB, cổng giao tiếp đa phương tiện (MI) tại đế flash và cổng đồng bộ đèn flash
Thiết kế và cảm giác thao tác
Kích thước
Sony Alpha A1 Mark II có cùng thiết kế thân máy như Alpha A9 Mark III nên cũng sở hữu chung bố cục điều khiển ở nhiều vị trí. Tuy nhiên, chiếc máy mới có phần thân rộng hơn với báng cầm được cải tiến để cải thiện khả năng cầm nắm. Phần không gian giữa báng cầm và ngàm ống kính cũng rộng hơn, cho phép người dùng xử lý tốt hơn với các ống kính lớn và có thể sử dụng với găng tay vào mùa lạnh. Với kích thước 136 x 97 x 83 mm và trọng lượng 743g, chiếc máy khá tương đồng với Canon EOS R5 Mark II, nhưng gọn gàng hơn so với Nikon Z8.
Cấu hình và bố cục điều khiển
Mặt trên của máy ảnh có đầy đủ vòng xoay chế độ có nút khóa với lẫy chuyển quay/chụp/S&Q, vòng xoay tốc độ chụp, vòng xoay thông số, nút chụp và vòng xoay bù trừ sáng có thể xoay tự do và được tùy biến. Mặt trước máy có thêm nút tùy biến C5 với chức năng mặc định là tăng tốc độ chụp tạm thời. Tuy nhiên, lẫy tùy chọn chế độ lấy nét nằm dưới vòng xoay chụp liên tục làm phức tạp quá trình chuyển đổi giữa các thiết lập và người dùng phải đảm bảo các chúng ở vị trí chính xác.
Tại mặt sau của chiếc máy, nút AF-ON có kích thước lớn và tương đối nổi bật nằm trên cần điều khiển lấy nét có thể được tùy biến để kích hoạt chế độ theo dõi. Trong khi đó, nút quay phim được đặt bên cạnh kính ngắm. Hầu hết các nút điều khiển trên thân máy đều có thể được tùy biến để phù hợp với thói quen thao tác của người dùng.
Dẫu vậy, khi so sánh với Canon, Sony Alpha A9 Mark III vẫn thiếu một chút chi tiết dù nhỏ nhưng sẽ giúp thao tác trở nên nhanh chóng hơn. Cụ thể EOS R5 Mark II có thể thay đổi các thiết lập bằng chế độ tùy chỉnh và có nút nhả ống kính lớn hơn để việc thay ống kính nhanh chóng. Đồng thời, chiếc máy này cũng có một nút đánh giá hình ảnh (RATE) chuyển dụng khi người dùng xem lại.
Hệ thống menu
Hệ thống bảng tùy chọn (menu) trên Sony Alpha A9 Mark III vẫn đồ sộ và khó hiểu như mọi khi với 64 trang tùy chọn khác nhau. Nó cũng bao gồm một số cụm từ viết tắt rất dài khiến nhiều người dùng cảm thấy khó hiểu (Cnt Sht Spd Bst – Continue Shooting Speed Boost). Nó vẫn cần được đơn giản hóa hơn nữa và có thêm chức năng tìm kiếm. Dù vậy, hệ thống My Menu sẽ giúp người dùng lưu trữ các cài đặt cần thiết để có thể truy cập nhanh như mong muốn.
Kính ngắm và màn hình
Sony Alpha A1 Mark II được trang bị màn hình và kính ngắm có chất lượng rất cao. Cụ thể, kính ngắm sử dụng tấm nền OLED 9.4 triệu điểm ảnh (độ phóng đại 0.9x) hiển thị hình ảnh rất chi tiết. Với khả năng xử lý hình ảnh mạnh mẽ, kính ngắm không xảy ra hiện tượng chớp đen khi chụp liên tục. Sony còn tặng kèm một bộ đệm kính ngắm sâu hơn, được làm bằng silicon mềm để ngăn ánh sáng lọt vào và cải thiện khả năng quan sát kính ngắm.
Không chỉ vậy, A1 Mark II cũng kế thừa màn hình 3.2-inch chất lượng từ dòng Sony Alpha A9 III và A7R V. Màn hình này có độ phân giải 2.1 triệu điểm ảnh và sử dụng cơ chế xoay lật/khớp nghiêng rất hữu ích cho cả việc chụp ảnh và quay phim. Người dùng có thể xoay màn hình ra để chụp ảnh ở mọi góc khó, trong khi vẫn có thể nghiên lên hoặc nghiên xuống để chụp ảnh ở các góc trên cao hoặc dưới thấp.
Sony cho biết, hình ảnh trên màn hình đã được xử lý về màu sắc, độ phơi sáng và độ sâu trường ảnh, giúp người dùng nắm rõ kết quả sau khi chup. Thêm vào đó, màn hình hiển thị các công cụ hữu ích như biểu đồ sáng hoặc thanh cân bằng điện tử một cách riêng biệt. Nhưng đáng tiếc thay là máy ảnh không có chế độ giả lập mô phỏng kính ngắm quang học mà cả Canon và Nikon đều cung cấp.
Khả năng lấy nét
Với bộ xử lý AI, Sony Alpha A1 Mark II có hiệu suất lấy nét tương đối mạnh mẽ so với các dòng máy cùng phân khúc. Với các đối tượng tĩnh, chiếc máy đạt độ chính xác gần như tuyệt đối khi lấy nét, bất kể đối tượng ở đâu trong khung hình. Với các đối tượng chuyển động, máy ảnh sẽ khóa nét vào chủ thể và liên tục theo dõi chúng với độ tin cậy cao.
Khả năng nhận dạng đối tượng của Sony gần như “kỳ diệu” với tất cả các đối tượng được lựa chọn. Máy ảnh nhận diện tốt con người, động vật và phương tiện giao thông, thậm chỉ có thể theo dõi những đối tượng nhỏ di chuyển thất thường. Hệ thống lấy nét duy trì tính ổn định bất kể khi sử dụng ống kính của Sony hay ống kính bên thứ ba như Sigma.
Mặc dù tùy chọn tự động nhận diện mới hoạt động tốt, nhưng đôi lúc nó có thể nhận diện sai dạng chủ thể, khi đối tượng trên màn hinh không chính xác với loại chủ thể. Dù vậy, máy ảnh vẫn lấy nét chính xác vào chủ thể mong muốn và người dùng người dùng có thể tắt một số loại chủ thể nhất định ở chế độ tự động, giúp thu hẹp phạm vi lấy nét vào những đối tượng quan trọng.
Khi so sánh với nhiều đối thủ, Sony vẫn nên tiếp tục cải thiện tính năng tự động nhận diện chủ thể, vì các máy ảnh của Canon và Nikon tuy đều có tính năng này, nhưng có cách tiếp cận đơn giản và hợp lý hơn.
Hiệu suất hoạt động
Như những gì mà người dùng mong đợi từ một máy ảnh cao cấp nhất, Sony Alpha A1 Mark II hoạt động nhanh và ấn tượng. Khi bật công tắt, máy ảnh khởi động ngay lập tức và phản hồi nhanh với mọi thao tác của người dùng. Khi chụp ảnh, màn trập cơ học phát ra tiếng kêu rất nhỏ và gần như yên tĩnh. Người dùng có thể chuyển qua chế độ màn trập điện tử để loại bỏ tiếng động, nhưng chất lượng hình ảnh có thể sẽ bị ảnh hưởng khi chụp lia máy.
Thời lượng pin và khả năng chụp liên tục
Sony Alpha A1 Mark II có thể chụp được 520 tấm (theo chuẩn CIPA) như bản tiền nhiệm. Trong thực tế, con số này có thể lên đến hơn 900 tấm tùy thuộc vào cách chụp. Khả năng chụp liên tục của chiếc máy cũng rất đáng chú ý. Khi sử dụng thẻ SD UHS-II với tùy chọn ảnh RAW và JPEG Fine, chiếc máy vẫn có thể lưu liên tục đến 100 ảnh ở tốc độ 30fps trước khi bắt đầu giảm tốc độ.
11
Chuyển sang thẻ CFexpress Type A với cùng thiết lập, A1 Mark II có thể chụp liên tục 150 ảnh ở tốc độ 30fps, trước khi giảm tốc độ về 15fps hoặc 10fps cho đến khi thẻ nhớ đầy. Tất nhiên, không phải người dùng nào cũng có nhu cầu chụp nhanh như vậy bởi việc lựa chọn một tấm ảnh phù hợp sẽ là “cơn ác mộng” với người dùng chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng tốc độ này là cần thiết đối các phóng viên thể thao.
Độ phân giải ấn tượng
Được trang bị cảm biến với độ phân giải 50MP, độ chi tiết hình ảnh thật sự ấn tượng, thậm chí khi cắt hình sâu hơn, hình ảnh vẫn giữ được độ chi tiết ở mức chấp nhận được. Dưới đây sẽ là một ví dụ về độ chi tiết của cảm biến này, khi người chụp sử dụng một ống kính góc rộng và chụp ảnh toàn sân bóng từ phía khán đài và thực hiện 2 lần phóng lớn.
Ảnh chụp toàn sân bóng
Phần ảnh được cắt ở nửa bên sân
Phần ảnh được cắt ở phía gần khung thành
Qua ví dụ trên, Sony Alpha A1 Mark II cho thấy sức mạnh đến từ cảm biến độ phân giải cao và độ chi tiết ấn tượng ngay cả khi tấm hình được cắt chỉ còn khoảng 4MP. Để tối ưu độ chi tiết, người dùng nên chọn định dạng RAW không nén để tối ưu dải nhạy sáng và độ chi tiết ở các vùng tối. Nhưng trong các trường hợp cần chụp liên tục, định dạng RAW nén sẽ duy trì hiệu suất hoạt động của máy mặt dù khả năng xử lý ảnh ở các vùng rất tối sẽ kém hơn một chút.
Để hỗ trợ các nhu cầu ghi hình khác nhau, người dùng có thể cấu hình ảnh RAW nén vào khe thẻ CFexpress và RAW không nén vào khe thẻ SD nếu không cần phải chụp quá nhanh.
Hiệu suất ổn định hình ảnh
Hệ thống ổn định cảm biến (IBIS) với hiệu quả lên đến 8 stops, giúp người dùng yên tâm khi chụp ở các tốc độ chậm hơn. Thử nghiệm với ống kính Sony FE 28-70mm F2, người thử nghiệm có thể chụp được hình ảnh sắc nét khi cầm tay chiếc máy ở tốc độ màn trập trong khoảng một giây. Thậm chí, việc phơi sáng lâu đến 2.5 giây vẫn cho hình ảnh rất đẹp mà không cần đến chân máy.
Hệ thống IBIS trên chiếc máy cũng hỗ trợ tính năng chụp ảnh độ phân giải siêu lớn, sử dụng cơ chế dịch chuyển điểm ảnh. Chế độ này sẽ tạo ra hình ảnh 200MP bằng việc ghép 16 tấm ảnh để mang đến độ chi tiết cao hơn, đồng thời có khả xử lý các chi tiết bất thường nhỏ như các vật thể di chuyển giữa các khung hình. Để sử dụng chế độ này, người dùng cần phải đặt máy trên các tripod và sau khi chụp, việc ghép ảnh sẽ phải được làm trên phần mềm Imaging Edge Desktop.
Hệ thống đo sáng và chất lượng hình ảnh
Cũng tương tự như Sony Alpha A9 Mark III, Sony Alpha A1 Mark II có hệ thống đo sáng và cân bằng trắng rất ấn tượng. Hệ thống này bảo vệ các chi tiết vùng sáng để có thể khôi phục trong quá trình hậu kỳ, đồn thời cân bằng trắng tự động cũng thông minh hơn để tìm được thiết lập màu sắc phù hợp, với nhiều tông màu từng làm khó rất nhiều dòng máy ảnh Sony cũ hơn đã có thể được xử lý tốt.
Khả năng xử lý màu sắc của Sony sẽ thiên về độ chính xác thay vì làm các màu sắc trở nên bắt mắt hơn. Những tấm ảnh đều mang đến cảm giác dễ chịu với màu sắc trung tính, đặc biệt đối với ảnh chân dung, vốn thường được xử lý màu rất mạnh mẽ trên các máy ảnh của Canon. Thêm vào đó, chiếc máy cũng tích hợp hệ thống màu sắc Creative Look rất đa dạng với nhiều tông màu đẹp, nhưng việc viết tắt tên gọi sẽ gây khó khăn cho người dùng để lựa chọn.
Sử dụng cùng cảm biến với Alpha A1, chất lượng hình ảnh trên chiếc máy mới không có nhiều cải thiện đáng kể và vẫn mang đến lượng chi tiết khổng lồ khi đi cùng với các ống kính Sony GM cao cấp. Nhiễu ở các mức ISO cao được kiểm soát tốt ngay cả khi không cần dùng đến tính năng khử giảm nhiễu bằng AI. Điều này đạt được nhờ vào dải nhạy sáng được mở rộng đáng kể, đặc biệt ở các mức ISO thấp, cho phép người dùng khôi phục các chi tiết trong phạm vi từ 4 đến 5 stops.
Khả năng xử lý nhiễu
Ở các mức ISO thấp, hình ảnh từ Sony Alpha A1 Mark II giữ được độ chi tiết rất cao và ấn tượng. Điều này được duy trì rất tốt ngay cả ở các mức ISO trung bình và cao hơn một chút. Hình ảnh gần như không có sự giảm sút về chất lượng nào ở ISO 1600 – 3200. Qua mức ISO 3200, các chi tiết vùng tối không được xử lý tốt và dần biết mất, đồng thời nhiễu cũng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng ngay cả khi nâng ISO lên đến 25600, hình ảnh vẫn đủ tốt để có thể sử dụng.
Với các mốc ISO 51200 và 102400 mở rộng, chất lượng hình ảnh không đủ tốt để có thể sử dụng khi xem xét trên màn hình. Nhưng khi áp dụng giảm nhiễu bằng AI trong quá trình xử lý ảnh RAW vẫn cho ra hình ảnh đủ ấn tượng. Dưới đây là ảnh chụp được phóng lớn tại các mức ISO 100, 1600, 6400, 12800 và 25600 để bạn đọc có thể theo dõi mức độ giảm sút về độ chi tiết và sự gia tăng về độ nhiễu.
Tổng kết về Sony Alpha A1 Mark II
Có thể nói, Sony Alpha A1 Mark II là chiếc máy ảnh tuyệt vời nhất được ra mắt trong năm 2024 với mục tiêu là cạnh tranh mạnh mẽ với những dòng máy cùng phân khúc cũng không kém ấn tượng là Canon EOS R5 Mark II và Nikon Z8. So với phiên bản tiền nhiệm, Sony A1 Mark II hứa hẹn mang đến một trải nghiệm ấn tượng về tốc độ chụp, khả năng lấy nét chính xác và mang đến chất lượng hình ảnh vượt trội với dải nhạy sáng rộng và độ chi tiết hình ảnh ấn tượng.