Đánh giá nhanh ống kính Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8 – Ống kính thu phóng góc rộng tầm trung của Nikon
Bên cạnh phân khúc S-Line cao cấp, dòng ống kính tầm trung của hệ ngàm Nikon Z luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của người dùng nhờ sự cân bằng về chi phí và hiệu năng. Và một trong số đó là Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8, ống kính thu phóng góc rộng khẩu độ lớn với thiết kế tối ưu cho sự linh hoạt, hiệu suất lấy nét ấn tượng và chất lượng hình ảnh vượt trên kỳ vọng của người dùng. Trong bài viết này, hãy cùng Anh Đức Digital đánh giá tổng quan về ống kính này nhé.
Thông số kỹ thuật
- Hệ ngàm: Nikon Z
- Dải tiêu cự: 17-28mm
- Dải khẩu độ: f/2.8 – f/22
- Số lá khẩu: 9 cánh xếp tròn
- Hệ thống quang học: 13 thấu kính chia thành 11 nhóm, bao gồm 3 thấu kính phi cầu, 2 thấu kính tán sắc thấp và 1 thấu kính tán sắc siêu thấp
- Động cơ lấy nét: động cơ bước
- Khoảng lấy nét gần nhất: 19cm
- Đường kính bộ lọc: 67mm
- Kích thước: 101 × 75mm (chiều dài x đường kính)
- Trọng lượng: 450g
Thiết kế và điều khiển
Với trọng lượng 450g, ống kính Nikkor Z 17-28mm f/2.8 nhẹ hơn 35g so với ống kính Z 14-30mm f/4 S, và cũng nhẹ hơn đến 250g so với Nikkor Z 14-24mm f/2.8 S. Điều này cho phép nó này trở thành một lựa chọn rất linh hoạt cho việc chụp ảnh và quay phim. Dù không phải là ống kính S-Line cao cấp, nhưng Nikkor Z 17-28mm f/2.8 có đầy đủ các lớp chống chịu thời tiết và có phần đệm cao su quanh ngàm để ngăn bụi và hơi ẩm.
Như các ống kính Nikon Z tầm trung khác, ống kính này không có công tắc AF/MF, nút L-Fn để tùy biến tính năng và vòng điều khiển chuyên dụng. Dù vậy, vòng lấy nét thủ công trên ống kính có thể được sử dụng để điều chỉnh khẩu độ, bù trừ sáng hoặc ISO, cho phép thao tác nhanh hơn so với việc sử dụng vòng xoay trên thân máy. Vòng lấy nét này sử dụng điều khiển điện từ nên sẽ không có điểm dừng cố định và chỉ hiển thị thang đo khoảng cách trên máy ảnh ở chế độ MF.
Vòng thu phóng có kích thước lớn hơn nhiều và rất dễ thao tác. Trên vòng thu phóng có 4 vị trí tiêu cự là 17mm, 20mm, 24mm và 28mm, với góc quay khoảng một phần tư vòng giữa 2 đầu tiêu cự. Dù có khả năng chuyển động mượt mà, nhưng nhiều người dùng cho rằng nó hơi “chật” so với nhiều ống kính khác. Cơ chế thu phóng và lấy nét đều nằm bên trong ống kính, giữ cho chiều dài ống kính không đổi nên rất hữu ích khi lắp trên hệ thống gimbal.
Khả năng lấy nét
Khi thử nghiệm Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8 trên thân máy Nikon Z7 II, hiệu suất lấy nét của ống kính tương đối ấn tượng. Ống kính có thể lấy nét nhanh và gần như hoàn toàn im lặng. Tuy nhiên khi chủ thể ở trong vùng lấy nét tối thiểu, việc lấy nét ít ổn định hơn, nhưng điều này khá phổ biến và vẫn có cách để khắc phục.
Nếu muốn chụp nhiều đối tượng gần điểm lấy nét gần nhất, người dùng nên đặt vòng lấy nét thủ công thành M/A trong bộ thiết lập của máy ảnh. Điều này cho phép điều chỉnh nhanh tiêu điểm bằng vòng lấy nét thủ công khi máy ảnh ở chế độ AF. Hiện tượng ống kính thở vẫn xảy ra khi chuyển giữa hai vị trí lấy nét tương đối xa trong khung hình, nhưng nó không quá đáng kể và ít ảnh hưởng trong quá trình quay phim.
Chuyển sang chế độ lấy nét thủ công, hệ thống điều khiển điện tử không tạo cảm giác lấy nét quen thuộc như với các ống kính truyền thống. Song người dùng được khuyến nghị nên cập nhật firmware cho máy ảnh để có thể điều khiển vòng lấy nét theo cơ chế tuyến tính, giúp việc lấy nét vào các đối tượng như vì sao ban đêm trở nên đơn giản hơn nhiều. Khả năng lấy nét cận cảnh cũng được đánh giá khá tốt mặc dù nó không hoàn toàn là macro.
Chất lượng hình ảnh
Với hệ thống quang học phức tạp có nhiều thấu kính đặc biệt, chất lượng hình ảnh trên Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8 được đánh giá cao khi xét độ nét và độ chi tiết toàn ảnh trên toàn dải tiêu cự. Như thường lệ, phần tâm ảnh có độ nét tốt hơn so với các vùng rìa, nhưng sự chênh lệch này không quá lớn ngay cả ở khẩu độ lớn nhất. Tuy nhiên, độ nét toàn ảnh sẽ đồng đều nhất trong dải khẩu độ f/4 – f/8.
Xét về hiện tượng méo hình, hình ảnh có xu hướng bị lồi tâm ở tiêu cự 17mm và bắt đầu lõm tâm ảnh nhẹ ở 28mm. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng tính năng hiệu chỉnh có sẵn trong máy ảnh hoặc khi hậu kì. Ở khẩu độ lớn, hiện tượng tối góc hiện diện rõ rệt ngay cả khi đã sử dụng hiệu chỉnh hình ảnh, nhưng chúng có thể được loại bỏ tối đa ở khẩu độ f/4 trở đi. Một điểm gây bất ngờ trên ống kính này là khả năng xử lý quang sai và kiểm soát lóa sáng rất ấn tượng.
Thật vậy, trong quá trình thử nghiệm, hiện tượng lóa sáng được kiểm soát rất tốt và gần như ít xuất hiện trong khung hình khi có nguồn sáng mạnh chiếu vào, đặc biệt là khi người chụp không sử dụng bộ loa che nắng. Ở điều kiện này, độ tương phản của hình ảnh vẫn được giữ ở mức khá tốt để duy trì chất lượng hình ảnh tổng thể. Với hệ thống khẩu độ 9 cánh, người dùng có thể chụp được hiệu ứng tia sao tại khẩu độ F/16 như hình ảnh dưới đây.
Tổng kết về ống kính Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8
Ống kính Nikon Nikkor Z 17-28mm f/2.8 mang đến một lựa chọn phù hợp khi xét về mặt chi phí và chất lượng hình ảnh, mặc dù dải tiêu cự của nó sẽ tạo ra thế khó khi người dùng cân nhắc với ống kính Nikkor Z 14-30mm f/4 S. Tuy nhiên, điểm mạnh của ống kính này nằm ở chất lượng hoàn thiện ấn tượng với trọng lượng nhẹ để tối ưu tính linh hoạt, đồng thời được trang bị hệ thống quang học phức tạp với khả năng tối ưu độ sắc nét và khả năng kiểm soát quang sai ấn tượng.